Không khác gì những loài động vật khác, mang thai đối với chó Poodle là một quá trình khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt, đây lại là giống chó khá hiếu động và tinh nghịch, do đó tỷ lệ sảy thai hoặc tổn thương là khá cao. Chính vì vậy, bạn cần nắm rõ những cách chăm sóc chó Poodle mang thai để ngăn ngừa và xử lý nhanh trước những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc chó Poodle mang thai
Sau khi giao phối khoảng 2 tuần chó Poodle sẽ có những biểu hiện ốm nghén đầu tiên. Thông thường bé sẽ nôn mửa, mệt mỏi, chán ăn, ngủ nhiều, thờ ơ và lười vận động,…
Khi nhận thấy những dấu hiệu này bạn nên cho bé đi khám để chắc chắn rằng nó đã mang thai hay đây là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác.
Nếu là mang thai thì chủ nuôi đừng quá lo lắng, đây là triệu chứng ốm nghén rất tự nhiên và bình thường. Nó sẽ dừng lại sau khoảng 1 tháng. Trong thời gian này, bạn cần tìm hiểu kỹ về các cách chăm sóc chó Poodle mang thai và chú ý nhiều vào chế độ dinh dưỡng cho bé là được.
Trong tháng đầu tiên của thai kỳ
Khi chó mẹ vừa mang thai, ở tháng đầu tiên người nuôi không cần thay đổi chế độ dinh dưỡng cho bé. Chỉ cần áp dụng thực đơn như bình thường là được. Tuy nhiên, bạn nên bổ sung cho chó sữa dinh dưỡng có chứa sắt và canxi, chúng rất tốt cho cơ thể chó mẹ và thai nhi.
Trong trường hợp chó mẹ ốm nghén nặng, bỏ ăn nhiều ngày, người nuôi nên nấu cháo loãng với xương hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để truyền dịch lỏng nhằm đảm bảo sức khỏe cho chó.
Từ tháng thứ hai của thai kỳ trở đi
Từ tháng thứ hai, thai nhi bắt đầu phát triển nhanh và đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng cao hơn để phát triển toàn diện. Giai đoạn này, bạn phải tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết vào bữa ăn để chăm sóc chó Poodle mang thai.
Ưu tiên các loại vitamin, chất xơ, khoáng chất, canxi, đạm, protein và chất béo lành mạnh. Chúng có nhiều trong rau củ quả, thịt bò, thịt ức gà, cá béo, hải sản,….
Đặc biệt khi mang thai do phải nuôi hai cơ thể nên chó mẹ cần lượng thức ăn lớn hơn bình thường. Chính vì vậy bạn có thể tăng tần suất ăn từ 3 lên 4 hoặc 5 bữa mỗi ngày. Hãy chia nhỏ các bữa ăn với lượng thức ăn vừa phải để đáp ứng cơn thèm ăn nhưng vẫn tránh được thừa cân, béo phì. Thông thường khi mang thai, chó mẹ chỉ nên tăng từ 25 – 30% trọng lượng ban đầu là đủ khỏe mạnh.
Chăm sóc sức khỏe cho chó Poodle mang thai
Thăm khám định kỳ là điều bắt buộc phải làm khi chăm sóc chó Poodle mang thai. Trong suốt thai kỳ, bạn phải đưa bé đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Tại đây, họ sẽ quan sát và lường trước được những rủi ro để có hướng xử lý kịp thời, hiệu quả nhất.
Các bác sĩ sẽ đưa ra lịch thăm khám dựa trên tiến trình phát triển của cún con. Họ phải kiểm tra thường xuyên để xác định sức khỏe của cả mẹ và bé có ổn hay không. Từ đó đề xuất hướng chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho phù hợp.
Đặc biệt, khám thai chính là cách nhanh nhất để phát hiện sớm những vấn đề không mong muốn như dị tật hay lưu thai. Lúc này, cách tốt nhất là loại bỏ thai nhi để giữ lại tính mạng cho chó mẹ.
Ngoài ra, khi mang thai chó mẹ cần được tiêm vacxin đầy đủ để phòng bệnh cho chó con và uống thuốc bồi bổ được kê đơn bởi bác sĩ thú y.
Cách vệ sinh khi chăm sóc chó Poodle mang thai
Khi chăm sóc chó Poodle mang thai, đừng quên vệ sinh cho bé thật kỹ lưỡng. Chúng cần được tắm rửa để giữ cơ thể thơm tho và tránh các bệnh viêm nhiễm trên da. Các chuyên gia khuyên rằng nên tắm cho chó mẹ mỗi tuần 2 – 3 lần với các sản phẩm lành tính và có khả năng diệt khuẩn, ve, bọ,…
Đồng thời hãy tỉa lông chó ngắn gọn nhất có thể. Điều này giúp nó cảm thấy thoải mái, sạch sẽ và hạn chế các vi khuẩn tụ tập trên lông. Đặc biệt còn để tránh nhiễm trùng trong quá trình sinh nở.
Bên cạnh đó, chủ nuôi cũng phải đảm bảo vệ sinh môi trường sống cho chó. Từ chỗ ngủ, nơi vệ sinh, bát ăn, bát uống nước, các vật dụng, đồ chơi đều phải sạch sẽ và được đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh xa các khu vực tăm tối, có mùi hôi và ẩm mốc.
Chế độ luyện tập cho chó Poodle mang thai
Poodle rất giàu năng lượng và tinh nghịch. Đây là lý do bạn cần quan tâm đến chế độ vận động khi chăm sóc chó Poodle mang thai. Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, hãy hạn chế tối đa các trò chơi vận động cường độ cao và chạy nhảy của chó mẹ. Vì đây là thời kỳ nguy hiểm. Rất dễ bị động thai hoặc thậm chí là sảy thai.
Tốt nhất, trong suốt thai kỳ bạn nên bỏ hết các bài vận động thông thường. Mỗi ngày dắt chó mẹ đi dạo nhẹ nhàng quanh công viên khoảng 30 phút là đủ. Điều này giúp giải phóng năng lượng, tăng cường lưu thông máu, kích thích hệ tiêu hóa và hạn chế tối đa khả năng béo phì.
Nhưng lưu ý rằng, nên đi bộ khi trời mát mẻ, chọn nơi thưa người và không có nhiều động vật. Nếu không chó mẹ rất dễ kích động và lao vào gây sự. Điều này không tốt cho thai nhi một chút nào.
Đặc biệt, từ tháng thứ hai trở đi, khi bụng đã to ra, chó mẹ sẽ rất lười vận động. Nhiệm vụ của chủ nuôi là đừng nuông chiều mà hãy khuyến khích bé đi lại thường xuyên. Chế độ vận động phù hợp rất tốt cho sức khỏe của chó mẹ và quá trình sinh nở.
Các vận dụng cần chuẩn bị khi chó Poodle mang thai
Khi chăm sóc chó Poodle mang thai, bạn cần sắm sửa đầy đủ những dụng cụ cần thiết để chuẩn bị cho quá trình sinh nở của bé. Các vật dụng cần chuẩn bị bao gồm:
- Một chiếc hộp làm ổ đẻ
- Một vài tấm đệm hoặc khăn lót
- Khăn lau để giữ vệ sinh cho cún con sau khi đẻ
- Một đôi găng tay
- Một cái kéo nhỏ
- Nước khử trùng
- Bông gòn
- Một chậu nước ấm
- Nước uống, sữa và một chút thức ăn lỏng cho chó mẹ giữ sức
Ngoài ra, quá trình sinh nở của chó cần một không gian kín, sạch sẽ, yên tĩnh và không được có gió. Vì vậy, kể từ khi mang thai đến khi bé có dấu hiệu sinh, bạn hãy để nó sống trong một căn phòng hoặc góc kín. Nơi đó cũng sẽ là ổ đẻ của bé sau này.
Những dấu hiệu khi chó Poodle sắp sinh
Có một điều bạn cần biết khi chăm sóc chó Poodle mang thai đó là thời gian mang thai của chúng. Thông thường nó sẽ kéo dài khoảng khoảng 58 – 65 ngày. Do đó, nhớ kỹ ngày mang thai, cộng với việc thường xuyên quan sát, bạn sẽ dễ dàng phát hiện thời điểm sinh của chó mẹ.
Khi sắp sinh, chó Poodle sẽ có những biểu hiện sau:
- Thường đi quanh nhà, đánh hơi các góc vắng vẻ, đào bới để làm ổ đẻ.
- Thường xuyên rên rỉ, thở dốc, mệt mỏi và đau đơn.
- Thai nhi trong bụng đạp mạnh và liên tục, bạn có thể thấy chúng quay đầu về phía xương chậu.
Chủ nuôi cần thường xuyên quan sát chó mẹ để chuẩn bị tinh thần và ứng biến nhanh trong quá trình sinh sở cũng như chăm sóc chó con nhé.
Những lưu ý khi chăm sóc chó Poodle mang thai
Để đảm bảo quá trình chăm sóc chó Poodle mang thai và sinh con diễn ra thuận lợi và an toàn, chủ nuôi hãy lưu ý những điều sau đây:
- Sau khi chó mẹ vào ổ đẻ bạn phải ở bên cạnh bé để chăm sóc và phòng ngừa bất trắc. Nếu sau 12 tiếng mà chó vẫn không đẻ được phải liên hệ ngay với các bác sĩ thú y để được hỗ trợ kịp thời.
- Khi mang thai không được nhốt chó trong chuồng quá lâu hoặc xa lánh, đánh đập nó. Điều này khiến chó bị stress và rất dễ bị sảy thai.
- Tuyệt đối không để bé ăn thức ăn lạ, những loại hạt kém chất lượng, thức ăn ôi thiu, hết hạn.
- Quan sát chó thường xuyên, nếu có biểu hiện bất thường phải đưa đi thăm khám ngay lập tức.
Hy vọng bài viết cách chăm sóc chó Poodle mang thai này sẽ có ích cho các bạn. Đừng quên bổ sung kiến thức để chăm sóc cũng như hỗ trợ chó cưng sinh sản kịp thời, đúng cách nhé. Chúc người nuôi có thể cùng chó mẹ vượt qua kỳ sinh nở an toàn và khỏe mạnh!