Vì sở hữu đường ruột khá yếu nên chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle hợp lý luôn là thách thức lớn với người nuôi. Bạn phải cân nhắc loại thức ăn cũng như liều lượng sao cho tương thích với thể trạng, cân nặng và độ tuổi của chúng. Nếu không Poodle không thể phát triển khỏe mạnh được.
Trong bài viết này mình sẽ gợi ý cho chủ nuôi chế độ dinh dưỡng hợp lý và an toàn cho chó Poodle theo từng độ tuổi. Đây là những kiến thức rất bổ ích và có thể giúp quá trình chăm sóc chó của bạn hiệu quả hơn. Vì vậy đừng bỏ lỡ nhé!
Những giai đoạn phát triển của chó Poodle
Một bé Poodle sẽ trải qua 3 giai đoạn trưởng thành chính:
- Giai đoạn dưới 2 tháng tuổi
- Giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi
- Giai đoạn từ 6 tháng tuổi trở đi
Ở mỗi mức trưởng thành, chúng cần một chế độ dinh dưỡng phù hợp và riêng biệt để đáp ứng nhu cầu phát triển và vận động của cơ thể. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle theo từng giai đoạn phát triển nhé!
Chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle dưới 2 tháng tuổi
Giai đoạn sau khi chó con dứt sữa mẹ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với chú chó lẫn chủ nuôi. Bé phải tập làm quen với các thức ăn ngoài sữa mẹ trong khi hệ tiêu hóa và khả năng nhai còn rất yếu.
Không những thế, nếu bạn mua chó con bên ngoài về thì đó lại là một vấn đề phức tạp hơn nữa. Chú chó sẽ phải đối mặt với việc thay đổi chế độ dinh dưỡng lẫn môi trường sống đột ngột. Do đó bạn cần hỏi kỹ chế độ dinh dưỡng trước đây của bé để có biện pháp thay đổi cho phù hợp. Vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng vừa không gây hại cho sức khỏe của cún con.
Ở giai đoạn từ khi dứt sữa đến 2 tháng tuổi, chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle nên áp dụng như sau:
- Cháo loãng nấu với xương hoặc các loại thịt, rau củ xay nhuyễn.
- Nếu bạn cho chó ăn thức ăn khô thì phải ngâm mềm với nước ấm hoặc các loại nước canh, nước hầm xương để bảo vệ răng miệng và giúp bé dễ tiêu hóa.
- Cho chó con uống sữa ấm để bổ sung dinh dưỡng, mỗi ngày khoảng 300ml là đủ.
- Bắt buộc phải cho bé uống đủ nước mỗi ngày.
Đừng cố gắng thay đổi đột ngột chế độ ăn của chó con. Thay vào đó bạn nên thay đổi một cách chậm rãi, từ từ để tránh tình trạng bé không thích nghi kịp, chán ăn và bị ốm nhé. Thời gian để đổi thức ăn cho chó con là khoảng 1 tháng.
Những ngày đầu, hãy trộn thức ăn cũ với thức ăn mới, sau đó mỗi ngày tăng số lượng thức ăn mới lên một ít. Sau một thời gian chó sẽ quen với mùi vị của thức ăn mới. Lúc đó bạn có thể chuyển qua cho bé ăn 100% thức ăn mới. Giai đoạn này bạn nên cho chó ăn 4 – 5 bữa nhỏ mỗi ngày.
Chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle từ 3 – 6 tháng tuổi
Bước qua tháng thứ 3, chế độ dinh dưỡng chó chó Poodle sẽ có sự thay đổi. Lúc này chó đã phát triển cứng cáp hơn về răng miệng lẫn hệ tiêu hóa. Bạn có thể xem xét và bắt đầu nuôi chó với những loại thức ăn sau đây:
- Thay cháo bằng các thức ăn mềm như cơm nấu với thịt, nội tạng, tôm, rau củ cắt nhỏ hoặc xoay nhuyễn.
- Trộn thức ăn hạt với nước ấm hoặc nước canh, không cần ngâm cho quá mềm vì răng của bé đã phát triển.
- Cho chó uống đủ nước mỗi ngày và bổ sung thêm khoảng 400ml sữa ấm nếu có điều kiện.
Giai đoạn này bạn nên giảm khẩu phần ăn cho chó, 3 – 4 bữa mỗi ngày là hợp lý. Tuy nhiên hãy tăng lượng thức ăn trong mỗi bữa cho phù hợp với cân nặng của bé nhé.
Chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle từ 6 tháng tuổi trở đi
Đây là giai đoạn chó con bước vào tuổi dậy thì và trưởng thành. Nhu cầu dinh dưỡng của chúng sẽ cao hơn do đó chủ nuôi cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle. Mỗi ngày bạn chỉ cần cho bé ăn 2 – 3 bữa lớn là đủ. Nhưng bắt buộc lượng thức ăn phải lớn và đa dạng dinh dưỡng hơn.
Khi trưởng thành, Poodle cần được cung cấp đầy đủ protein, đạm, khoáng chất, canxi, tinh bột, chất béo, chất xơ,… để nuôi dưỡng lông và tăng cường đề kháng của cơ thể. Những thực phẩm nên cung cấp cho bé trong giai đoạn này gồm:
- Các loại thịt cá: thịt bò, gà, lợn, nội tạng, cá béo,….
- Các loại rau củ quả nấu chín như cà rốt, bắp cải, rau có lá, khoai, sắn và một số loại trái cây được xay nhuyễn khác.
- Bạn hãy để chó ăn các thực phẩm trên kết hợp với cơm hoặc cháo để bé chắc bụng và có đủ chất dinh dưỡng.
- Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại thức ăn dạng hạt dinh dưỡng khác. Hãy chọn sản phẩm không chứa chất phụ gia, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ở giai đoạn này bạn không cần ngâm nữa mà hãy để bé tự ăn nhé. Đây cũng được xem là một cách mài răng tự nhiên rất tốt đấy.
Ngoài ra, giai đoạn này bạn nên cho chó ăn trứng vịt lộn để nuôi dưỡng bộ lông mượt mà, óng ả hơn. Mỗi tuần 2 trứng là đủ, đừng cho bé ăn quá nhiều kẻo bị thừa dưỡng chất.
Chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle mang thai
Khi mang thai, chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle cái không có quá nhiều thay đổi. Ở tháng đầu tiên của thai kỳ, bạn chỉ cần cho bé ăn như bình thường. Thỉnh thoảng nếu chúng chán ăn, mệt mỏi, nôn mửa cũng đừng quá lo lắng vì đó chỉ là triệu chứng ốm nghén thông thường mà thôi.
Đến tháng thứ hai, bạn nên tăng cường cho chó mẹ những loại hải sản nấu chín kỹ như tôm, cua, cá và các loại cháo được nấu với thịt, xương hầm,… Bên cạnh đó, đừng quên rau của quả, sữa và các loại thuốc dành riêng cho chó mang thai nhé.
Những loại thức ăn nguy hiểm cho chó Poodle
Hãy đảm bảo rằng các loại thức ăn sau đây không được xuất hiện trong chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle:
- Tuyệt đối không cho chó ăn xương, ăn quá nhiều hạt cứng, thức ăn có chứa chất phụ gia, thức ăn vặt của con người như bánh kẹo, nước ngọt, socola, nho – nho khô, hạt mắc ca,…
- Không cho chó ăn quá nhiều cá, nhất là các loại cá sống vì rất dễ bị hóc xương, nhiễm giun sán và các bệnh đường ruột
- Không được cho chó ăn xương, nhất là các loại xương ống của gia cầm. Vì nguy cơ hóc xương cao và cơ thể chó không thể hấp thụ được. Chúng có thể dẫn đến chứng táo bón, thủng ruột và gây hại cho răng miệng.
- Không cho chó ăn nhiều đường, mỡ động vật.
- Hạn chế tối đa đồ cay nóng và các thực phẩm ôi thiu, quá hạn hoặc các loại thức ăn thương mại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Không cho chó Poodle uống quá nhiều sữa.
Những lưu ý khi cho chó Poodle ăn
Để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của cún cung, trong chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Lượng thức ăn cho chó phải tùy thuộc vào cân nặng, khả năng vận động và tình trạng sức khỏe của cún. Thông thường:
- Dòng Standard Poodles: Đây là những chú chó có kích thước lớn và hiếu động. Nhu cầu của chúng thường rơi vào 1300 – 2000 calo mỗi ngày.
- Dòng Miniature Poodles: Có kích thước trung bình và khả năng vận động tầm trung nên cần khoảng 400 – 800 calo mỗi ngày.
- Dòng Toy Poodle, Tiny Poodle hoặc Teacup Poodle có kích thước nhỏ, hệ tiêu hóa yếu và không ưa vận động. Do đó chúng chỉ cần 100 – 200 calo mỗi ngày là đủ.
- Nhớ vệ sinh bát ăn, bát uống nước và khu vực ăn uống thường xuyên để bé thoải mái và ăn ngọn miệng hơn.
- Đừng quên chuẩn bị thêm các món ăn vặt, xương mài răng và bánh cho chó để làm phần thưởng cho cún cưng.
- Các loại trái cây tươi, sữa chua không đường hoặc ít đường nên được bổ sung vào thực đơn để làm món ăn tráng miệng dinh dưỡng.
- Hãy tập cho chó thói quen ăn đúng giờ và đúng số lượng thức ăn quy định. Đừng để bé ăn quá ít và cũng không được cho ăn no.
Hy vọng những thông tin về chế độ dinh dưỡng cho chó Poodle trong bài viết trên hữu ích với bạn đọc. Chúc bạn nuôi được một chú chó Poodle khỏe mạnh, thông minh và ngoan ngoãn!