Phần lớn các chú chó đều có bản năng tự đẻ, tuy nhiên vẫn có không ít trường hợp chó khó đẻ và cần đến sự trợ giúp từ người nuôi hoặc các bác sĩ thú y.
Hiện tượng khó sinh hoặc chó không chịu rặn đẻ rất hiếm. Nhưng một khi nó đã xảy ra mà không có sự can thiệp kịp thời thì hậu quả là rất khủng khiếp. Trong một số trường hợp, những chú chó con có thể mất trong bụng mẹ, nếu nghiêm trọng hơn thì cả mẹ lẫn con đều gặp nguy hiểm.
Đó là lý do chúng ta cần nắm được những kiến thức cơ bản để có thể can thiệp ngay khi phát hiện tình trạng chó khó đẻ.
Tại sao lại xảy ra hiện tượng chó khó đẻ
Hiện tượng chó khó sinh có thể đến từ cơ thể của chó mẹ hoặc thai nhi và nó có khả năng xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình sinh đẻ. Sau đây chúng ta cùng nhau điểm qua một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng chó khó sinh hoặc không chịu rặn đẻ nhé!
Do đặc điểm cấu tạo của từng giống chó
Theo các nghiên cứu về khả năng sinh sản của thú cưng, hiện nay những loài chó khó sinh điển hình gồm: Chihuahua, Phốc sóc, Bull, Boxer, Yorkshire Terrier, Pug, Corgi,… Nguyên nhân chính xuất phát từ đặc điểm cấu tạo của cơ thể của chúng.
Những chú chó có kích thước nhỏ như Corgi, Yorkshire Terrier, Chihuahua, Phốc sóc,… sở hữu khung xương chậu tự nhiên hẹp và nhỏ. Điều này khiến chó con khó hoặc không thể đi lọt qua khung xương chậu để ra ngoài được.
Bên cạnh đó chó Bull, Boxer, Pug,… có kích thước xương chậu bình thường nhưng cũng cũng thuộc top chó khó sinh. Điều này là do chó con có cấu tạo hộp sọ to vượt trội từ trong bụng mẹ. Đây là lý do khiến chúng khó lọt qua khung xương chậu để sinh theo cách bình thường.
Nếu bạn nuôi một bé chó cái thuộc nhóm chó khó sinh tự nhiên và muốn nhân giống thì hãy chuẩn bị tâm lý cho bé sinh mổ. Vì các số liệu đã chỉ ra rằng hơn 70% cá thể trong các giống chó này phải sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai để đảm bảo an toàn.
Do chế độ chăm sóc cho trong thai kỳ chưa đúng
Cũng như con người, khi mang thai chó mẹ phải nhận được những sự chăm sóc đặc biệt. Nếu bạn không đáp ứng được các tiêu chí đó thì tình trạng chó khó đẻ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc chó mẹ thiếu/ dư thừa chất dinh dưỡng, ít vận động/ vận động không đúng cách, thừa cân, bị đổi chỗ ở hoặc đổi chủ mới, tác động tâm lý, các bệnh liên quan đến sinh sản,… Có thể khiến chúng gặp vấn đề khi sinh con.
Do chó mẹ bị bệnh
Khi chó mẹ mắc phải các căn bệnh như tim mạch, suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường, phù nề, viêm tử cung, rong kinh, lộn tử cung, thai dị dạng,… hoặc các sai lầm trong quá trình phối giống như phối đồng huyết, cận huyết,… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khó sinh.
Ngoài ra, việc sinh con khó khăn cũng có thể là hệ quả của các vấn đề như tử cung vô lực, co thắt yếu, xoắn tử cung, co tử cung, ung thư tử cung, u nang hoặc tử cung kết dính do viêm nhiễm.
Do chó mẹ sinh con khi đã già
Càng có tuổi sức khỏe của chó mẹ càng suy giảm. Khả năng chịu áp lực và dùng sức rặn đẻ trong thời gian dài là rất thấp.
Không những thế, với những chú cho sinh muộn (4 – 5 tuổi mới sinh con đầu lòng) hoặc các chú chó già thì khung xương chậu thường xuất hiện tình trạng thu hẹp, mất sụn. Điều này làm mất đi sự co giãn, đàn hồi của xương chậu và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng chó khó đẻ.
Do các vấn đề đến từ phía thai nhi
Ngoài các nguyên nhân đến từ cơ thể chó mẹ, hiện tượng sinh khó cũng có thể xuất phát từ phía thai nhi. Thông thường có 4 trường hợp điển hình ở thai nhi dẫn đến chứng khó sinh:
- Kích thước bào thai quá lớn.
- Vị trí nằm, dáng nằm và tư thế quay đầu khi sinh.
- Thai nhi mắc các vấn đề dị tật bẩm sinh.
- Bào thai chết trong bụng mẹ.
Các triệu chứng cho thấy chó khó đẻ
Khi khó đẻ, chó mẹ thường sẽ có các triệu chứng sau đây:
- Co thắt bụng dưới mạnh và liên tục trong 30 phút nhưng không thể sinh.
- Từ lúc chó mẹ bắn đầu co tử cung để đẩy bào thai đến khi sinh chú chó đầu tiên mất hơn 4 tiếng đồng hồ.
- Thời gian giãn cách giữa các lần sinh mất hơn 2 tiếng (thông thường sẽ dao động từ 20 phút đến 1 tiếng).
- Chó mẹ có biểu hiện đau đớn, liên tục kêu gào, khóc và liếm âm hộ trong khi co thắt tử cung.
- Bắt đầu đau đẻ từ 6 – 8 tiếng nhưng vẫn chưa đẻ được.
- Có các chất dịch nhầy màu xanh lục hoặc đen tiết ra từ âm đạo của chó mẹ trước khi sinh bé đầu tiên khoảng 2 tiếng.
- Chảy máu trước khi sinh chú chó đầu tiên hoặc giữa hai lần sinh liên tiếp.
- Nếu chó mẹ đã vào ổ, có biểu hiện đau đẻ, liên tục liếm âm đạo nhưng bụng dưới không hề co thắt thì có thể tử cung đã bị vô lực và khó đẻ.
Chủ nuôi cần làm gì khi chó khó đẻ
Trong giai đoạn mang thai và sinh con, chó mẹ cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Dẫu biết loài chó có bản năng sinh con tự nhiên rất cao, tuy nhiên không thể loại trừ những trường hợp rủi ro có thể xảy ra. Chúng sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Chính vì lý do này, chủ nuôi cần ở bên cạnh quan sát từ lúc chó mẹ trở dạ đến khi sinh. Đồng thời trang bị những kiến thức cần thiết để nhanh chóng phát hiện điểm bất thường và đưa ra hướng xử lý nhanh chóng – hiệu quả nhất.
Một số cách xử lý chó không chịu rặn đẻ hoặc khó sinh hiệu quả nhất:
Nhờ sự can thiệp của các sĩ thú y ngay từ đầu
Nếu chú chó của bạn có tiền sử khó đẻ hoặc thuộc giống chó khó sinh thì tốt nhất nên can thiệp y tế ngay từ đầu. Hãy đến phòng khám thú y để lên lịch cho ngày sinh của bé.
Tại đây các bác sĩ sẽ thăm khám và cho biết ngày sinh chính xác. Chủ nuôi chỉ cần đợi đến ngày thì đưa bé ra phòng khám để được hỗ trợ.
Dùng thuốc Oxytocin
Đây là loại thuốc kích sinh có thể sử dụng trong trường hợp chó mẹ khỏe mạnh, xương chậu đã nở, thai nhi nằm ở tư thế bình thường hoặc chó mẹ đã sinh được bé đầu tiên rồi.
Lúc này thuốc Oxytocin sẽ có khả năng kích thích sự co bóp của tử cung và tống thai nhi ra ngoài nhanh bằng đường âm đạo.
Tuy nhiên để sử dụng phương pháp này bạn phải xác định rõ có thực sự là chó mẹ đang khó đẻ hay không. Nếu có sai sót rất dễ dẫn đến tình trạng vỡ tử cung khiến chó con bị ngạt.
Trong suốt quá trình đó hãy dùng tay chậm rãi xoa ấn vùng bụng của chó mẹ và cung cấp cho bé một ít đồ ăn dinh dưỡng và nước để có sức sinh con.
Sau khi sử dụng thuốc 30 phút mà chó vẫn không sinh được thì bắt buộc phải thực hiện mổ lấy thai.
Gọi ngay cho bác sĩ thú y khi bé khó đẻ tại nhà
Trong quá trình quan sát, nếu nhận thấy các dấu hiệu khó sinh ở chó mẹ thì chủ nuôi cần nhanh chóng liên hệ với các bác sĩ thú y để được hỗ trợ nhanh nhất. Tại đây các bác sĩ sẽ tiến hành chuẩn đoán và đưa ra các phương án xử lý phù hợp nhất.
Trong trường hợp chó con đã nằm ở vòm âm đạo hoặc ra được phân nửa nhưng chó không chịu rặn đẻ tiếp các bác sĩ sẽ dùng các thiết bị kỹ thuật để xác định vị trí của chó con và đỡ đẻ bằng tay. Bên cạnh đó các chất oxytocin, glucose hoặc canxi có thể sẽ được bổ sung để hỗ trợ quá trình sinh sản của chó khi cần thiết.
Trong trường hợp sau 30 phút đỡ đẻ, nhưng chó mẹ vẫn không sinh tự nhiên được thì bắt buộc phải áp dụng hình thức sinh mổ để bảo toàn mạng sống cho cả mẹ và thai nhi.
Những lưu ý để hạn chế tình trạng chó khó đẻ
Để hạn chế tình trạng chó khó sinh hay chó không chịu rặn đẻ, chủ nuôi cần lưu ý những điều sau đây:
- Chăm sóc và bổ sung đầy đủ dưỡng chất theo hướng dẫn của bác sĩ thú y trong suốt thai kỳ.
- Thường xuyên quan sát và đưa bé đi khám thai định kỳ để xử lý ngay khi phát hiện những nguy cơ bất thường.
- Nếu chú chó của bạn có tiền sử khó đẻ thì tốt nhất hãy triệt sản cho bé để đảm bảo an toàn.
- Cho chó tập những bài vận động phù hợp để hạn chế tính trạng ù lì, béo phì.
- Chọn giống chó phù hợp để phối.
- Lưu ý thời điểm sắp sinh của chó để có thể quan sát và hỗ trợ kịp thời, thông thường chó mẹ sẽ sinh vào lúc nửa đêm hoặc rạng sáng.
- Khi chó mẹ sắp sinh không nên vuốt ve bé quá nhiều, điều này sẽ khiến chúng nảy sinh tâm lý chủ quan, thư giãn và ngưng rặn đẻ.
- Đối với những chú chó bình thường thì bạn có thể hỗ trợ bé đẻ tại nhà. Tuy nhiên đối với những giống chó khó sinh thì tốt nhất hãy đưa bé đến các cơ sở thú y. Vì chó sinh vào đêm, trong trường hợp không đẻ được sẽ rất khó để gọi cho bác sĩ đến hỗ trợ.
Sinh con là một quá trình rất khó khăn và đau đớn, với những chú chó cũng không ngoại lệ. Nếu không may gặp phải tình trạng chó khó đẻ mà không được hỗ trợ kịp thời sẽ gây ra những hậu quả rất đáng tiếc. Mong rằng bài viết này có ích cho những bạn đang nuôi chó mang thai hoặc đang có nhu cầu phối giống.