Chó thay răng là hiện tượng tự nhiên mà bất kỳ một chú chó nào cũng phải trải qua trong vòng đời của nó. Đây là mốc đánh dấu khi chó con chuyển mình vào giai đoạn trưởng thành. Chúng sẽ loại bỏ những chiếc răng sữa và thay vào đó là hàm răng vĩnh viễn, cứng cáp và khỏe mạnh hơn.
Trong giai này, chó cần khá nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ phía người nuôi vì không phải lúc nào quá trình thay răng cũng diễn ra suôn sẻ. Do đó bạn đừng quên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để chăm sóc cho bé chu đáo nhất nhé!
Tổng quan về quá trình chó thay răng
Sau đây chúng ta cùng điểm qua một số cột mốc quan trọng trong quá trình chó mọc răng và thay răng nhé! Ở mỗi giai đoạn khác nhau trong vòng đời, chú chó sẽ có số lượng răng tương ứng, cụ thể:
Giai đoạn từ 1 – 4 tháng tuổi
Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, những bé chó con sẽ có 28 chiếc răng sữa, chia đều cho 2 hàm. Khi mới sinh bé sẽ không có răng, phải đến từ tuần thứ 3 thì những chiếc răng đầu tiên mới xuất hiện. Và chúng sẽ hoàn thiện đủ 28 chiếc ở tuần thứ 8.
Trong giai đoạn này răng của chó khá yếu, có màu trắng tinh, thưa thớt và nhọn. Mỗi hàm có 6 răng cửa, 2 răng nanh và 6 răng hàm trước, khôngcó răng hàm sau.
Giai đoạn từ 4 – 8 tháng tuổi
Đây chính là thời điểm chó thay răng. Lúc này những chiếc răng sữa sẽ bắt đầu rụng dần để chuẩn bị cho quá trình mọc răng vĩnh cửu. Quá trình này sẽ diễn ra hoàn toàn tự nhiên và kéo dài trong vòng 2 – 4 tháng. Sau khi hoàn thiện bé sẽ có tổng cộng 42 chiếc răng.
Sau khi thay xong, những chiếc răng mới sẽ cứng cáp hơn, có màu trắng sữa, to và dài. Khoảng tháng thứ 6 đến tháng thứ 8, sau khi hoàn thiện quá trình thay răng, mỗi hàm sẽ có 6 răng cửa, 2 răng nanh, 8 răng hàm trước và 5 răng hàm sau.
Giai đoạn từ 8 tháng trở đi
Sau tháng thứ 8 hàm răng vĩnh cữu đã hoàn thiện và sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào về số lượng (vẫn giữa nguyên 42 chiếc). Thay vào đó chúng chỉ thay đổi về màu sắc, kích thước và cấu tạo bề mặt mà thôi.
Do đó, nếu từ giai đoạn này trở đi mà chú chó của bạn gặp sự cố và bị gãy răng thì phải chấp nhận thôi vì chúng không thể mọc lại nữa.
Những dấu hiệu thường thấy khi chó thay răng
Tùy vào thể trạng của từng chú chó mà thời gian thay răng có thể đến sớm hoặc muộn hơn. Nhưng chung quy lại vẫn sẽ nằm trong những mốc thời gian nêu trên. Chủ nuôi hãy tính toán thời gian và quan sát bé để có thể nhận biết kịp thời những dấu hiệu chó thay răng và có hướng hỗ trợ phù hợp nhé.
Những dấu hiệu điển hình cho thấy chú chó của bạn đang bước vào thời kỳ thay răng gồm:
- Chó bỗng nhiên biếng ăn, thậm chí là bỏ ăn, sụt cân nhanh.
- Có biểu hiện khó chịu, thường xuyên rên hoặc kêu do đau răng và nướu.
- Xuất hiện thói quen xấu gặm cắn đồ đạc trong nhà, nhất là những vật cứng.
Căn cứ vào thời gian và các dấu hiệu trên, bạn có thể dễ dàng nhận ra thời điểm chó thay răng bằng mắt thường.
Những vấn đề có thể xảy ra trong thời gian chó thay răng
Sở dĩ chủ nuôi cần liên tục theo dõi quá trình thay răng của chó cưng là do quá trình mọc răng có thể gây ra một số vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Cụ thể như sau:
- Suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh vặt, ký sinh trùng và các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa,….
- Chó dễ cáu, khó chịu và bị stress. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý sau này của chúng.
- Chó thường xuyên mệt mỏi, bị sốt nhẹ, đôi khi sẽ sốt rất nặng.
- Răng sữa không chịu rụng mà mọc song song với răng vĩnh viễn, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề nhai sau này.
Tùy theo thể trạng của cún cưng cũng như cách chăm sóc của chủ nuôi trước và trong quá trình chó thay răng mà những vấn đề này có thể nhẹ hoặc nặng. Do đó hãy luôn để mắt đến bé và có hướng xử lý nhanh chóng khi có điểm bất thường xảy ra nhé.
Chó thay răng và cách chăm sóc hiệu quả nhất
Quá trình thay răng của cún cưng diễn ra rất tự nhiên và đơn giản. Tuy nhiên, cũng đừng chủ quan vì những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ khi nào. Chính vì vậy, điều bạn cần làm là chuẩn bị đầy đủ kiến thức và chăm sóc bé thật chu đáo.
Chế độ dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý rất cần thiết cho quá trình thay răng của cún. Để quá trình rụng – mọc răng của bé diễn ra nhanh, chất lượng răng tốt và ít đau đớn hơn, chủ nuôi hãy cho chó ăn các thức ăn mềm thay vì hạt cứng nhé.
Trong giai đoạn chó thay răng chúng cần bổ sung nhiều nước, protein và canxi. Những loại thức dinh dưỡng như pate, cháo, đồ ăn tự nấu ở nhà sẽ là lựa chọn rất tuyệt vời.
Đặc biệt, sau khi mọc răng vĩnh viễn xong, trong vòng 1 – 2 tháng sau đó bạn cũng đừng cho bé ăn hạt và các loại thức ăn cứng nhé. Vì răng lúc này vẫn còn khá yếu, nếu gãy sẽ không thể mọc lại đâu.
Trang bị đồ chơi cho cún gặm
Khi răng phá nướu để mọc ra, chú chó sẽ cảm thấy rất ngứa ngáy, đau nhức và khó chịu. Do đó bạn hãy chuẩn bị những món đồ chơi chuyên dụng cho bé gặm nhấm, mài răng nhé. Chúng không chỉ làm giảm cơn đau nhức mà còn hạn chế bé phá đồ trong nhà rất hiệu quả nữa đấy.
Hãy lựa chọn những món đồ chơi phù hợp với kích thước mõm và làm từ chất liệu an toàn cho sức khỏe của chó. Tốt nhất nên chọn mua sản phẩm từ những cửa hàng bán vật dụng thú cưng uy tín, chất lượng.
Phòng ngừa bệnh cho chó
Khi chó thay răng, chúng đồng thời cũng bước giai đoạn dậy thì và có những thay đổi đáng kể trong cơ thể. Thời kỳ này có thể khiến sức đề kháng của cún suy giảm nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Vì vậy, bạn cần chủ động phòng bệnh cho chó cưng bằng cách bổ sung đủ dưỡng chất, tiêm ngừa parvo, canre, viêm gan truyền nhiễm, ho cũi đầy đủ, tẩy giun sán định kỳ cho chó từ bé,…
Đặc biệt, khi thay răng chó thường bị sốt bất chợt. Để an toàn, tốt nhất chủ nuôi hãy chuẩn bị sẵn thuốc, vitamin B, vitamin C và thường xuyên kiểm tra nhiệt độ để phát hiện và chữa trị sớm nhất.
Chó thay răng và những lưu ý khi chăm sóc
Để quá trình thay răng của bé diễn ra nhanh và có chất lượng răng tốt nhất, chủ nuôi cũng nên lưu ý một số điều sau đây:
- Tuyệt đối không can thiệp vào quá trình thay răng của chó. Nhất là việc hỗ trợ nhổ răng cho chúng. Hãy để quá trình này diễn ra một cách tự nhiên nhất. Công việc của bạn là quan sát và hỗ trợ bé khi có vấn đề bất trắc xảy ra.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng rụng – mọc răng của chó. Trong trường hợp răng sữa chưa rụng mà răng vĩnh viễn đã mọc thì cần đưa bé đi gặp bác sĩ ngay lập tức. Nếu không 2 chiếc răng sẽ mọc song song, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nhai thức ăn sau này.
- Đừng tự ý bổ sung bất kỳ loại thuốc kích thích mọc răng, thuốc giảm đau nào trong suốt quá trình chó thay răng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ thú y nếu có vấn đề vượt quá sự hiểu biết mà bạn không thể xử lý được.
Khi những chú chó bắt đầu thay răng chủ nuôi đừng quá lo lắng. Đây là quá trình tự nhiên và thông thường bản năng của cún có thể tự giải quyết được. Những trường hợp rủi ro rất ít khi xảy ra. Nhưng phòng ngừa không bao giờ là dư thừa nên bạn cũng đừng quên nhiệm vụ quan sát và chăm sóc bé thật cẩn thận.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên sẽ có ích cho quá trình chăm sóc chó thay răng của bạn. Chúc chủ nuôi cùng chú chó cưng của mình thành công vượt qua giai đoạn không mấy dễ chịu này để sớm có được hàm răng vĩnh viễn chất lượng cao nhé.