Thỏ con mới đẻ là thời điểm mà chúng vừa rời khỏi bụng mẹ, cơ thể yếu ớt dễ bị chết vì đói hoặc bệnh. Vậy nên việc chăm sóc thỏ giai đoạn này cực khó khăn với những người nuôi. Bên cạnh đó, việc thay đổi môi trường sống đột ngột cũng khiến chúng khó tiếp nhận. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số cách chăm sóc thỏ con mới đẻ. Bạn có thể tham khảo.
1. Đón thỏ con mới đẻ
Tỉ lệ thỏ con mới đẻ chết rất cao do kiến thức từ người nuôi không đầy đủ. Vì thế bước chuẩn bị trước khi thỏ mẹ chuyển dạ là rất quan trọng. Trong giai đoạn này bạn cần chuẩn bị ổ đẻ. Một chiếc ổ ấm áp lót bằng bông hay vải mềm sẽ rất phù hợp cho thỏ sơ sinh. Phải để ổ đẻ vào chuồng khi thỏ mang thai khoảng 28 ngày.
Thông thường để đảm bảo đủ ấm cho đàn con thỏ mẹ sẽ nhổ lông lót thêm vào ổ. Thỏ mới đẻ không có lông nên rất cần nhiệt độ cao. Bạn có thể làm ổ đẻ cho chúng từ thùng carton với kích thước vừa phải. Thêm một ít quần áo cũ vải mềm bên trong, có thêm rơm làm lót ổ càng tốt.
Một lưu ý nhỏ là phải kiểm tra lại ổ ngay sau khi thỏ mẹ đẻ xong. Loại bỏ những chúng chú thỏ con không may bị chết, vệ sinh lại ổ cho sạch sẽ. Đặc biệt, hãy đặt chuồng thỏ ở vị trí yên tĩnh, kín gió.
2. Cách chăm sóc thỏ con mới đẻ
Trong quá trình sinh con, thỏ mẹ thường không cần sự giúp đỡ. Nhưng bạn nên theo dõi thỏ mẹ xem chúng có dấu hiệu bất thường gì hay không.
Đối với thỏ con mới đẻ, vì chưa có lông nên chúng rất dễ bị nhiễm lạnh. Khi thời tiết quá lạnh hãy tìm biện pháp sưởi ấm cho ổ thỏ con. Cần đảm bảo ổ của chúng đủ ấm.
Giai đoạn này cũng phải có đủ nguồn sữa từ thỏ mẹ cho thỏ con. Nếu bạn không muốn chúng bị chết đói. Do đó hãy cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho thỏ mẹ. Điều này nhằm đáp ứng được nguồn sữa cho con của chúng.
Thỏ mẹ một ngày sẽ cho thỏ con bú với tần suất 1 đến 2 lần. Dấu hiệu cho thấy thỏ con đã được ăn no là thân nhiệt sẽ ấm lên, bụng tròn, nằm im. Ngược lại nếu chúng còn đói sữa thì bụng xẹp lép, da nhăn và cựa quậy liên tục.
Sau 20 ngày tuổi thỏ con bắt đầu tập ăn cùng mẹ của chúng. Tần suất bú mẹ sẽ giảm dần, thức ăn cho chúng lúc này sẽ là bột viên, cám viên. Mức độ sẽ tăng lên cho tới khi chúng hoàn toàn cai sữa. Đặc biệt, hạn chế cho ăn thức ăn chứa nhiều nước như rau củ hay cỏ tươi.
3. Bao nhiêu ngày thì thỏ con cai sữa, tách mẹ? Cách chăm sóc thỏ con cai sữa
– Bao nhiêu ngày thì thỏ con cai sữa, tách mẹ?
Thỏ con nếu nuôi tốt thì sau 25 ngày có thể tách mẹ, nhưng trung bình sẽ từ 30 cho đến 35 ngày.
Tuy nhiên, tốt hơn hết hãy đảm bảo khi tách mẹ thỏ con đạt trọng lượng nửa ký thì mới an toàn.
Nếu trường hợp thỏ mẹ gầy yếu, cũng có thể xem xét cai sữa sớm hơn cho thỏ con. Các yếu tố thường gây ảnh hưởng đến thỏ con khi chúng cai sữa:
– Thỏ con lúc này dễ bị bệnh vì mất đi sự bảo vệ của mẹ đồng thời cũng trở nên yếu ớt hơn vì mất đi nguồn kháng sinh từ sữa mẹ
– Thỏ thay lông lần đầu từ 5 đến 8 tuần tuổi trùng với thời điểm cai sữa sẽ làm tăng tác nhân khiến chúng bị căng thẳng
– Lúc này, chúng tách mẹ nên cần chuyển sang chuồng và chỗ nuôi khác điều này ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của chúng
Trên đây thường là những yếu tố khiến thỏ con bị giảm sức đề kháng, cũng là nguyên nhân khiến thỏ con mới tách mẹ rất dễ chết. Do đó, cần thường xuyên quan sát, chú ý để xử lý kịp thời.
– Cách chăm sóc thỏ sau khi cai sữa và tách mẹ
Trong giai đoạn cai sữa và tách mẹ, thỏ con phải tập làm quen với môi trường mới, sẽ phải ăn thức ăn thô. Giai đoạn này chúng dễ bệnh bởi các tác động từ ngoại cảnh như thức ăn, không khí, chỗ ở,… nên việc chăm sóc thỏ con giai đoạn này cần quan tâm hơn rất nhiều.
Đảm bảo môi trường sống của thỏ con phải luôn sạch sẽ, thông thoáng, máng đựng đồ ăn nước uống phải vệ sinh thường xuyên và thay mới liên tục.
Bắt đầu từ tuần thứ 9 thức ăn của thỏ con luôn phải đầy đủ dinh dưỡng bao gồm thức ăn thô xanh, bột hay cám viên và có thể cho chúng ăn tự do để nhanh béo.
Chuồng ở nên sát trùng, rắc thêm vôi bột và cách ly ngay những chú thỏ bị bệnh nếu không sẽ gây lây lan cho cả ổ.
4. Thức ăn dành cho thỏ con mới đẻ
Thỏ con sau hai tuần sẽ bắt đầu nhấm nháp một ít thức ăn viên. Tuy nhiên, giai đoạn này chúng vẫn cần đến sữa mẹ cho đến khi tròn 8 tuần tuổi
Lúc này, thỏ con sẽ giảm tần suất bú mẹ xuống và tăng mức hấp thụ thức ăn viên
Bạn không nên cho thỏ con ăn cỏ và rau xanh trong vài tháng đầu vì ruột của chúng còn non, chưa hoàn thiện để tiêu hóa được các thức ăn dạng này.
Sau hai tháng tuổi bạn có thể bắt đầu cho chúng ăn cỏ và rau nhưng lưu ý là với lượng ít, tuy nhiên nếu thấy chúng vẫn bị những vấn đề liên quan đến tiêu hóa thì hãy ngừng ngay.
5. Lưu ý khi thỏ mới đẻ
Khi nuôi thỏ tại nhà, gặp trường hợp thỏ đẻ, bạn cần lưu ý:
– Thứ nhất, hãy cung cấp nước đầy đủ cho thỏ mẹ, đây là lưu ý vô cùng quan trọng vì nếu thiếu thước thỏ mẹ sẽ cắn con của nó
– Thứ hai, cần xem thỏ con mới đẻ có được mẹ cho bú hay không? Bằng cách nhìn vào phần bụng của những chú thỏ con, nếu được cho bú thì bụng thỏ con sẽ căng.
Nếu nguyên ngày vẫn thấy bụng thỏ con lép xẹp thì cần phải bắt thỏ mẹ cho bú, bạn hãy bắt thỏ mẹ vào ổ và cho ngồi xổm trong ổ. Nếu muốn đảm bảo an toàn hơn thì hãy liên hệ bác sĩ thú y để xin lời khuyên.
Trường hợp thỏ mẹ quá ít sữa có thể sử dụng thuốc kích sữa. Nhưng nếu thỏ con không bú thì khả năng cao chú thỏ con đó đã bị ốm
– Thứ ba, thỏ con mới đẻ rất yếu nên phải đảm bảo nhiệt độ môi trường xung quanh đủ ấm cho chúng. Nhu cầu nhiệt độ môi trường xung quanh ổ lúc mới đẻ là 30-32°C.
6. Một số căn bệnh dễ gặp ở thỏ con
– Bệnh ghẻ:
Bệnh ghẻ trên thỏ là một loại bệnh ký sinh ngoài da. Nó khá phổ biến vì chuồng nuôi ẩm thấp và không biết cách vệ sinh. Ghẻ ký sinh trên thỏ thông qua chuồng, dụng cụ ăn uống,…
Bệnh này phân ra thành hai loại ghẻ đầu và ghẻ tai. Ghẻ đầu thường ký sinh ở mí mắt, mũi, mõm, mép và có thể lan sang cổ gáy, ngón chân, hậu môn hay cơ quan sinh dục.
Bệnh ghẻ tai thì chỉ ký sinh ở lỗ tai và vành tai.
Triệu chứng của bệnh này rất dễ thấy như thỏ bị ngứa, lắc đầu, vuốt mặt, cào chuồng và dậm chân sau. Lúc này bạn cần gọi cho bác sĩ thú ý để thăm khám chúng kịp thời. Nếu để lâu dần chúng sẽ bị suy nhược và chết.
– Bệnh tiêu chảy:
Đây là bệnh ở đường ruột mà thỏ hay mắc phải nhất. Khi phải thay đổi loại thức ăn hoặc thức ăn không được đảm bảo. Và dễ mắc nhất là khi thỏ con phải tách mẹ từ khoảng 7 ngày đến 3 tháng.
Dấu hiệu cho thấy thỏ con bị tiêu chảy là phân nhão. Lúc này cần ngừng cung cấp thức ăn và nước uống. Bạn có thể dùng cỏ mực, trà xanh hay lá ổi nghiền vắt nước cho thỏ uống.
Nhưng tốt nhất hãy liên hệ với bác sĩ thú y để được tư vấn kê đơn thuốc phù hợp cho thỏ.
7. Lời khuyên dành cho bạn
– Số lượng thỏ con trong một lứa sẽ tùy thuộc vào từng giống thỏ. Có thể là 1-12 con với những giống thỏ lớn và 1-10 con với giống thỏ nhỏ hơn
– Trong khoảng 10 đến 12 ngày đầu, thỏ sơ sinh sẽ chưa thể mở mắt. Bạn đừng quá nóng vội, hãy kiên nhẫn chờ đợi
– Đừng lo lắng khi chạm vào thỏ con thì thỏ mẹ không muốn chăm sóc con nó nữa. Thỏ mẹ khá dễ tính, khi đánh hơi được mùi con người ở thỏ con thì nó cũng hoàn toàn không để tâm.
– Đa phần thỏ thường mất lứa con đầu tiên. Vì vậy nếu thấy thỏ đẻ lứa đầu tiên không thành công thì cũng đừng sợ hãi. Một vài thỏ mẹ khi sinh đến 4-5 lứa mới có thể thành thạo chuyện sinh nở
– Nếu mỗi lần cho con bú thỏ mẹ không dành quá 5 phút thì bạn cần phải giúp đỡ bằng việc buộc thỏ mẹ phải ở cùng các con cho đến khi đủ 5 phút
– Trường hợp bạn thấy thỏ đào bới và che đậy hố ở một vị trí nào đó trong các thời điểm khác nhau, và có thể tha các mẫu vải, rơm, rễ cây, lá khô vào. Khả năng cao nó đã tự đẻ ở hố và đang tìm cách che đậy cho thỏ con.
Trên đây là một số kinh nghiệm khi nuôi thỏ con mới đẻ mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn. Mong rằng bạn sẽ tham khảo bài viết và có những phương án chăm sóc tốt nhất cho những chú thỏ cưng của mình.